Hiện nay, số lượng thiết bị có được bản ROM Android 4.0 cook từ cộng đồng mạng cũng đã dần tăng lên và được hoàn thiện. Sắp tới đây cũng sẽ có rất nhiều thiết bị Android 4.0 mới ra mắt hoặc được cập nhật chính hãng. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn có thể khắc phục được một vài lỗi thường gặp khi sử dụng hệ điều hành Android Ice Cream Sandwich này cũng như một vài mẹo nhỏ để việc dùng điện thoại của chúng ta trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Lưu ý rằng mình sẽ dùng tiếng Việt giống như những gì Google viết trong Android 4.0 khi chọn ngôn ngữ tiếng Việt để sử dụng. Bài viết này áp dụng cho các máy chạy Android AOSP, tức là bản Android gốc của Google. Một số hãng như HTC hay Samsung có những bước can thiệp khá sâu vào ứng dụng/hệ điều hành nên một số thủ thuật có thể không áp dụng được, hoặc là nhà sản xuất đã có sẵn giải pháp đơn giản hơn.

Trước khi xem các thủ thuật bên dưới, nếu bạn chỉ mới làm quen với Android 4.0 thì xin mời bạn xem qua bài viết Tất cả về Android 4.0 Ice Cream Sandwich để biết được một số điểm mới so với hệ điều hành Android trước cũng như vài thao tác cơ bản. Khi đã dùng tốt những tính năng đó, bạn có thể tiếp tục theo dõi phần còn lại của bài viết. Nếu lỗi của bạn không có trong bài này thì bạn hãy xem qua bài viết Khắc phục các lỗi thường gặp trên Android Phần 1 , Phần 2 . Nếu cũng không còn nữa thì hãy đăng tại topic này để mọi người cùng nhau tìm ra giải pháp.

1. Tăng tốc phần cứng bằng GPU


Máy bạn chạy chậm? Đồ họa giật và thường xảy ra hiện tượng đứng hình? Nếu máy của bạn gặp trường hợp này (nhất là các máy cũ, cấu hình không cao có ROM cook Android 4.0), bạn hãy thử qua tùy chọn bắt buộc sử dụng bộ xử lí đồ họa để giúp máy tăng tốc và hiển thị hình ảnh mượt mà hơn. Để bật tính năng này, bạn vào Cài đặt > Tùy chọn nhà phát triển (nằm ở gần cuối trang) > "Bắt buộc kết xuất GPU". Như vậy thì máy sẽ trở nên nhanh hơn rất nhiều. Mình đã thử nghiệm tính năng này trên một vài máy và kết quả rất khả quan.

2. Biên tập ảnh bằng Trình xem ảnh mặc định 


Không cần đến những phần mềm chỉnh sửa ảnh có trên Android Market nữa vì Google đã tích hợp sẵn khá nhiều tính năng cơ bản để bạn biên tập lại hình ảnh của mình bằng trình xem ảnh. Trước tiên, hãy chạy ứng dụng này lên, sau đó chọn lấy một tấm hình nào đó mà bạn muốn. Sau đó, nhấn phím Menu (nếu máy bạn có phím cứng) hoặc dấu ba chấm đặt dọc ở góc trên của ứng dụng, rồi chọn "Chỉnh sửa". Các tính năng mà bạn có bao gồm gồm tinh chỉnh về màu sắc, độ sáng (tự động cân chỉnh, màu sáng, đổ bóng, chỉnh độ tương phản, độ bão hòa màu...), hiệu ứng (ảnh trắnh đen, ảnh cũ, ảnh âm bản...), và có cả tính năng Doodle cho phép chúng ta dùng tay vẽ trực tiếp lên ảnh. Tuy chưa phải là các thao tác chỉnh ảnh nâng cao nhưng chúng có thể giúp người dùng chỉnh sửa nhanh các bức ảnh của mình cho đẹp hơn, sinh động hơn rồi chia sẻ với bạn bè. Trước đây, trình xem ảnh mặc định của Google chỉ có thể xoay ảnh và cắt ảnh mà thôi. Nếu thiết bị của bạn đã cài đặt Dropbox, một nút nhỏ với biểu tượng chiếc hộp màu xanh của Dropbox sẽ được thêm vào cạnh trên màn hình để bạn tải hình ảnh lên tài khoản của mình nhanh chóng hơn là sử dụng nút Share như bình thường. Việc này chưa từng xảy ra trên các phiên bản Android trước. 

3. Đổi SMSC khi không nhắn tin được 


Đôi khi, chúng ta có thể nghe, có thể gọi, có thể nhận tin nhắn như bình thường, nhưng lại không thể gửi tin nhắn đi được. Mỗi lần chúng ta nhấn nút Send thì Android lại báo không xem được, thử lại nhiều lần cũng không xong thì đây là lúc chúng ta cần đổi tổng đài nhắn tin. Số tổng đài nhắn tin (SMS Center - SMSC) có thể biết được bằng cách gọi điện trực tiếp hỏi tổng đài, hoặc dạo vòng quanh kiếm trên mạng. Ví dụ của Mobifone là +84900000011 hoặc +8400000066. Nếu dùng tổng đài 66 không được mình thường hay đổi qua 11.

Khi đã có được số SMSC, bạn truy cập vào trang web http://www.smartposition.nl/resources/sms_pdu.html . Cuộn xuống bên dưới, bạn sẽ thấy một khu vực cho phép nhận SMSC. Nhập số tổng đài vào đây, xóa trắng ô Receiver, ô nội dung rồi nhấn nút Convert. Cần phải giải thích chỗ này một chút. Mặc định, Android sẽ nhận số tổng đài dưới dạng Hexadecimal (mã thập lục phân), trong khi dãy số +84xxxxx lả mã thập phân. Do đó, ta cần chuyển đổi nó sang hexadecimal thì Android 4.0 mới chấp nhận. Trong ô bên phải, sau khi convert, bạn nhận được một dãy nhiều chữ số. Đừng quan tâm đến dòng AT+gì gì đó, mã hãy nhớ những con số ở dòng dưới, trước con số 11. Bạn có thể thấy được những gì cần nhớ mình đã bôi xanh trong hình minh họa.


Trên máy của bạn, vào trình gọi điện của máy và quay số *#*#4636#*#* (nhìn trên bàn phím thì bạn sẽ ra được chữ *#*#info#*#*). Một menu sẽ xuất hiện, chọn Phone Information. Bạn kéo xuống bên dưới một chút, sẽ thấy được ô SMSC. Nhập dãy số hexadecimal mà bạn đã có được bên trên vào ô này rồi nhấn Update. Chờ một chút là bạn đã có thể nhắn tin lại được rồi.

4. Gửi tất cả định dạng tập tin qua Bluetooth


Giống như các bản Android trước, một số loại tập tin sẽ không thể chuyển qua Bluetooth cho các máy khác được bởi vì Google lo ngại về vấn đề bản quyền. Do đó, chúng ta sẽ cần đến sự can thiệp của ứng dụng Bluetooth File Transfer ( tải về ở đây ). Ứng dụng này tích hợp sẵn công cụ quản lí file giúp bạn duyệt qua toàn bộ thẻ nhớ/bộ nhớ trong rồi chọn một hoặc nhiều tập tin để gửi thông qua kết nối Bluetooth. Lưu ý là trước khi "bắn", bạn phải bật chế độ cho phép thiết bị khác dò tìm máy của mình. Cách kích hoạt như sau: Chạy Bluetooth File Transfer, nhấn phím Menu (hoặc nút ba chấm) > Khác > Discoverable. Bluetooth File Transfer cũng có thể giúp bạn dùng tính năng duyệt qua bộ nhớ trong bằng Bluetooth, một điều mà driver Bluetooth mặc định phải chịu thua.

5. Đổi nhạc chuông tùy ý 

Lên đến Android 4.0 thì Google không còn cho phép người dùng đặt nhạc chuông một cách nhanh chóng nghe trong trình nghe nhạc mặc định nữa, chẳng biết vì sao hãng lại làm như vậy. Việc đặt nhạc chuông trở nên khó khăn hơn một chút. Muốn có nhạc chuông tùy ý, bạn hãy chép tập tin nhạc chuông đó vào thư mục/sdcard/media/audio/ringtones (có thể dùng trình quản lí tập tin như Astro File Manager để làm ngay trên điện thoại), lưu ý rằng để ở định dạng phổ thông như MP3 hay M4A và không nên có khoảng trắng ở tên tập tin. Chỉ cần thêm vào như vậy là nhạc chuông tự động xuất hiện trong phần cài đặt mà không cần làm gì thêm. Các làm tương tự như vậy cũng có thể áp dụng cho âm thanh báo Notification hay báo thức. Thay cho thư mục ringtones thì bạn tạo thư mục notifications hay alarms rồi bỏ tập tin âm thanh vào đó là xong.


Nếu không muốn tự tay chép chép như trên thì bạn có thể dùng ứng dụng MP3 Ringtone Maker . Ứng dụng này cho phép bạn cắt bớt nhạc chuông, biên tập một vài thành phần âm thanh rồi xuất ra tập tin MP3. Bạn sẽ có tùy chọn đặt ngay bài hát bạn vừa biên tập để làm nhạc chuông. MP3 Ringtone Maker sẽ tự động chép nó vào thư mục ringtones cho bạn, đồng thời đặt sẵn nhạc chuông luôn.

6. Sử dụng Chrome thay cho trình duyệt mặc định 


Trình duyệt của Android 4.0 có nhiều cải tiến so với các phiên bản trước, chẳng hạn như giao diện mới, tốc độ duyệt web nhanh hơn, hỗ trợ các thao tác ngón tay mới trong Android 4.0,... nhưng vẫn chưa sánh được với một sản phẩm khác đến từ Google: Chrome. Phiên bản Chrome dành cho Android có tốc độ tải trang rất nhanh, ngay ở lần đầu sử dụng mà tốc độ tải còn nhanh hơn so với trang web đã lưu vào bộ nhớ tạm do trình duyệt mặc định xử lí. Thao tác thú vị nhất trong Chrome đó là chúng ta có thể xem trang web mở trong các thẻ một cách rõ ràng bằng hình xem trước hoặc tiêu đề của web. Cách sắp xếp web khi mở tab cũng rất hay. Chúng ta có thể dùng ngón tay để "trượt" trang web (trong chế độ xem tab) ra khỏi màn hình (tức trượt sang trái/phải nếu để máy đứng, trượt lên/xuống nếu để máy ngang) để đóng tab đó. Rất nhanh chóng và đơn giản. Chrome cho Android cũng tự động đồng bộ bookmarks và thậm chí là có thể mở các thẻ mà Chrome trên PC đang mở nữa. Tất cả đều cần đến một Google ID, mà người dùng Android thì chắc hẳn ai cũng phải có một Google ID đăng nhập sẵn trên máy. Bạn có thể xem thêm một số hình ảnh và cách tải về Chrome dành cho Android 4.0 .


7. Equalizer trong trình chơi nhạc 


Trình chơi nhạc của Android 4.0 hay ở chỗ đó là đã tích hợp sẵn bộ cân bằng âm (Equalizer) giúp cải thiện chất lượng nhạc rất nhiều. Dù không chỉnh được nhiều tần số như các ứng dụng nghe nhạc chuyên nghiệp khác nhưng với người dùng cơ bản thì nó đã giúp nâng cấp chất lượng âm thanh rất nhiều. Hai thanh kéo Bass Boost và 3D Effect cho phép tăng âm trầm và tạo hiệu ứng dụng 3D nhưng chỉ khi cắm tai nghe chúng mới được kích hoạt.


Có một ứng dụng mang tên DSP Manager được tích hợp sẵn trong Android AOSP. Nếu bạn thấy trên máy có xuất hiện phần mềm này thì sẽ không tinh chỉnh được Equalizer như trên (có một số máy có tích hợp, một số thì không chạy được) mà nó sẽ hướng bạn đến một giao diện mới hoàn toàn. DSP Manager giúp bạn tinh chỉnh Equalizer cho cả loa ngoài, tai nghe bluetooth và tai nghe thông thường chứ không bị giới hạn như Equalizer mặc định của Android. Bạn có thể chỉnh chế độ nén dải tần, tăng cường âm trầm (Bass Boost), chọn mức độ áp dụng hiệu ứng âm thanh. Ngoài ra, người dùng còn có thể chỉnh được Equalizer theo nhiều tần số một cách chuyên nghiệp với đồ thị âm có sẵn. DSP Manager là giải pháp rất tốt cho những ai không muốn cài thêm hay bỏ tiền mua ứng dụng bên thứ ba mà vẫn có được chất lượng âm thanh cao.

8. Trứng phục sinh khi nhấn 4-5 lần vào Android Version


Đây là một tính năng vui vẻ chứ không phải là gì có ích cả. Để kích hoạt trứng phục sinh trong Android 4.0, bạn hãy vào Cài đặt > Giới thiệu về điện thoại. Ở dòng Phiên bản của Android, bạn nhấn năm lần vào đó. Một biểu tượng Android sẽ xuất hiện với dòng chữ: Android 4.0: Ice Cream Sandwich. Để thoát khỏi trứng phục sinh này, bạn nhấn nút Home là máy sẽ tự động được đưa về màn hình chính.

8. Nhắn tin giải thích lí do từ chối cuộc gọi


Khi có cuộc gọi tới mà bạn đang bận việc gì đó không thể trả lời được, bạn có thể dùng tính năng nhắn tin nhanh này. Tính năng này đã có trên một số dòng máy từ lâu (như LG đã tích hợp sẵn) nhưng lên đến Android 4.0 thì nó mới được Google tích hợp sẵn. Khi có cuộc gọi đến, thay vì trượt vòng tròn sang trái để hủy, sang phải để trả lời thì bây giờ bạn hãy trượt nó lên trên, nơi có biểu tượng tin nhắn. Một cửa sổ nhỏ xuất hiện với những nội dung thông báo, chẳng hạn như "Tôi đang bận, sẽ gọi lại ngay". Chọn vào đó, tin nhắn tự động được gửi đến người gọi. Như vậy thì ta vừa có lý do để từ chối một cách lịch sự, lại có thể thông báo cho người gọi và nguyên nhân nữa. Nếu muốn chỉnh sửa nội dung cho phù hợp, bạn vào trình gọi điện của Android, nhấn phím Menu (hoặc nút ba chấm ở cạnh dưới màn hình), chọn Cài đặt > Trả lời nhanh. Nhấn vào thông điệp bất kì để chỉnh sửa. Không thấy có phần thêm mới nội dung, có lẽ Android giới hạn 4 nội dung để ta có thể chọn nhanh khi có cuộc gọi mà thôi. 

9. Tắt tính năng nhận biết lỗi chính tả


Trên Android 4.0, mặc định có một tính năng nhận biết lỗi chính tả và phát hiện bằng cách gạch chân màu đỏ. Đây thật sự là một tính năng không giúp gì được cho chúng ta (vì không hỗ trợ chính tả tiếng Việt) lại còn làm bực mình thêm. Mình đã thấy nhiều bạn phản hồi rằng không biết làm thế nào để bỏ dấu gạch này đi vì nó lạ quá, khác xa với các bản Android khác. Để bỏ nó đi, bạn truy cập vào Cài đặt > Ngôn ngữ & Phương thức nhập, bỏ chọn ô Sửa lỗi chính tả. Thật đáng tiếc khi đây là một tính năng mới nhưng ta phải tắt nó đi.

10. Không tự động thêm biểu tượng sau khi cài ứng dụng


Trên Android Market mới (mặc định ở Android 4.0) có một tính năng có thể hữu ích với một số bạn, nhưng số khác thì không, đó là việc tự động thêm biểu tượng của ứng dụng lên màn hình chính sau khi ta cài đặt. Để tắt nó đi, bạn hãy khởi chạy Market, nhấn phím Menu > Cài đặt > bỏ chọn mục Tự động thêm tiện ích.

11. Trebuchet Launcher và CM9 Music


Đây là hai ứng dụng được nhóm CyanogenMod, nhóm làm ROM nổi tiếng cho Android, tinh chỉnh và thêm nhiều tính năng mới dựa trên bản gốc trích xuất từ Android AOSP. Nói về Trebuchet, giao diện thoạt nhìn qua thì giống, rất giống với Launcher mặc định của Android 4.0, nhưng khi sử dụng thử thì hiệu ứng xoay mượt mà hơn hẳn, tốc độ xử lí nhanh hơn rất nhiều. Nếu không thích thanh tìm kiếm được gắn cố định, bạn có thể bỏ nó đi (trong khi Launcher mặc định thì không thể). Một tùy chọn cũng khá hay đó là cho phép thay đổi kích thước của tất cả các widget, không cần biết là widget đó có được thiết kế để thay đổi hay không. Ngoài ra, người dùng còn có thể tùy chọn số màn hình chính muốn hiện diện. Bạn hãy vào trang web này để luôn tải về phiên bản mới nhất của Trebuchet Launcher.


CM9 Music cũng được chỉnh sửa lại dựa trên ứng dụng nghe nhạc mặc định của Android. Đây là một trình nghe nhạc thay thế cực kì đáng giá (nhưng lại miễn phí) dành cho những ai đang và sẽ dùng Android 4.0. Giao diện của ứng dụng không thay đổi nhiều. Với CM9 Music, chúng ta có thể đặt tính năng lật hoặc lắc máy để đổi bài hát, tùy chọn số nút hiện trên Notification Bar để điều khiển nhạc (có thể chỉ hiện nút Play, Play và Next, không hiện gì cả,...), dùng các thao tác trượt, nhấn đề điều khiển chứ không phải nhấn chính xác từng nút... Trong thời gian tới, một số theme cho CM9 Music cũng sẽ xuất hiện rộng rãi hơn, giúp cho trình nghe nhạc bớt nhàm chán khi nhìn vào. CM9 Music cũng đã bổ sung thêm tính năng cài đặt làm nhạc chuông ngay trong trình nghe nhạc. Mời bạn vào trang web chính thức của CM9 Music để tải về phiên bản mới nhất của trình nghe nhạc này. Trong tương lai, CM9 Music sẽ xuất hiện trên Android Market.


12. Bàn phím tiếng việt cho Android 4.0 


Các bộ gõ tiếng Việt hiện có trên Android Market đều có thể dùng tốt với Android 4.0. Mình muốn giới thiệu một số bộ gõ tốt mà bạn có thể tham khảo:
GoTiengViet 3 : gõ theo kiểu VNI, Telex, tự động sửa lỗi, có nhiều theme Vietnamese IME : gõ theo kiểu VNI, Telex, có tự động sửa lỗi. Mặc định HTC đã cài nó lên máy rồi. Multiling Keyboard kèm Plugin tiếng Việt : chỉ gõ theo kiểu Telex, nhiều tùy chỉnh Smart Keyboard : chỉ gõ theo kiểu Telex 

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Hướng dẫn sửa điện thoại © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top